Bố mẹ cần chuẩn bị gì để con vào lớp 1?
Trong khi đó, một số giáo viên cũng có xu hướng “mặc định” coi là trẻ đã biết chữ trước khi vào lớp 1. Do vậy mà với tình hình hiện tại ở Việt Nam, cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1, khó có thể nói đây là điều tốt hay không tốt. Có lẽ mỗi gia đình cần đưa ra quyết định phù hợp cho mình, đặc biệt là tùy vào đặc điểm riêng của con.
Chủ đề “Có nên cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1?” đã nhận được chia sẻ ý kiến của hàng ngàn bạn đọc. Xin trân trọng trích dẫn các ý kiến để các phụ huynh có cái nhìn toàn cảnh:
“Đành phải cho con đi học trước”
Bạn đọc Motngaymoi Hn chia sẻ: “Trước khi con trai mình chuẩn bị vào lớp 1 vì ông bà ngoại là giáo viên khuyên không nên cho con đi học trước. Đến khi đi học ngày đầu tiên, cháu toàn bị cô đuổi ra đứng ngoài cửa lớp vì viết chậm và cô nói là cháu mất trật tự. Các bạn trong lớp hầu hết đã học trước ở nhà cô nên đã biết hết chữ và số. Nhiều hôm ngồi "đánh vật" với con tới 12h đêm mà không xong, bắt cháu đi ngủ cháu không dám vì sợ cô. Đến cuối học kỳ 1 là cháu đuổi kịp các bạn. Năm nay cô con gái cũng chuẩn bị vào lớp 1, mình đành phải cho đi học trước.”
Cùng chung hoàn cảnh, bạn đọc Kathia cho hay: “Đúng là nếu con không biết chữ, cả bố mẹ và con đều hoang mang. Con trai tôi buổi đầu tiên tập trung, cô giáo viết lên bảng tất cả dặn dò. Con mình không biết chữ ngơ ngác trong khi nhiều bé khác lấy bút viết lại nhoay nhoáy. Lời cô dặn ngày nào, giờ nào, đem gì đến lớp, học hè tuần mấy buổi, một đứa trẻ chưa đến 6 tuổi làm sao nhớ hết được. Thế bảo sao không phải học trước. Tất nhiên chỉ vài tháng sau thì con nào cũng biết chữ, nhưng ngày đầu quả thật gian nan.”
Học chữ trước: Trẻ dễ chủ quan
Nếu học chữ trước khi vào lớp 1, trẻ dễ chủ quan. Biết đọc chữ chỉ là bước đầu, nhưng vì trẻ chủ quan nên có thể sau này sẽ đuối hơn các bạn. Sau này khi kiến thức lên cao, trẻ chủ quan sẽ bị kém hơn các bạn dù ban đầu thạo chữ, thạo số hơn.
Bạn đọc Lien Nguyen chia sẻ: “Mình có em họ biết đọc từ lúc 3-4 tuổi gì đó, sau này vào lớp 1 cậu ấy thấy học dễ quá nên chẳng chịu tập trung học, cứ ngồi chọc bạn bè, rồi lên cấp 2 thì cậu ấy học kém hơn các bạn khác vì do mải chơi, chủ quan nghĩ mình biết hết rồi, cô không cần quan tâm dìu dắt nữa.”
Bạn đọc Ngctuan Phamngoc đưa ra câu hỏi: “Nếu các em đã biết rồi thì học làm gì thời gian ở lớp mà học những cái đã biết thì tội gì các em không gây mất trật tự và không ai lại học những cái đã biết?”.
Bạn đọc Lưu Mười đặt vấn đề: “Khi ngồi trong lớp nếu các cháu biết rồi, không muốn, không thích, hoặc ghét nghe thầy cô giảng giải những cái đã biết thì sao? Các cháu có ngồi yên? Tập trung vào cái gì? Thầy cô không thể chỉ hỏi mãi vài học sinh, phải hỏi các bạn khác nữa, vậy khi các cháu biết mà không được trả lời các cháu sẽ chán thế nào? Cháu biết chưa hẳn đã thông minh, chỉ do học trước thôi, mà chắc gì đã học bài bản, rất nguy hiểm? Các cháu chưa chắc đã giúp bạn yếu học tốt hơn, rồi xem thường bạn nữa, rất nhiều điều nguy hại.”
Bạn đọc Trịnh Bình cho hay: “Con tôi trước khi vào lớp 1, cháu cũng chỉ biết hết chữ cái và các số 0, 1, 2…, vậy mà vẫn theo kịp, thậm chí còn hơn nhiều bạn khác đã học hết chương trình lớp 1 từ khi còn là học sinh mầm non. Đối với học sinh lớp 1 mỗi bài học là một sự khám phá và trải nghiệm thực sự điều này giúp các em cảm thấy hứng thú và muốn tìm hiểu nhưng khi các em học trước hết rồi thì khi vào lớp 1 các em học lại sẽ cảm thấy đó là một sự lặp lại nhàm chán. Điều này sẽ tạo cho các em một thói quen chủ quan bởi vì không cần nghe cô giảng nữa cũng đã hiểu bài đó rồi và đó cũng là nguyên nhân để các em mất tập trung, nói chuyện riêng.”
Cần cho trẻ làm quen với chữ cái, con số
Dù không nên cho trẻ học chữ trước để tránh cho trẻ sinh ra tính chủ quan, tuy nhiên, một điều cần thiết là sự chuẩn bị từ trước để trẻ làm quen với chữ cái, con số. Việc cho trẻ nhận biết chữ cái, con số là để trẻ bớt bỡ ngỡ, bối rối khi vào lớp 1. Đừng để đến lúc tận khi vào lớp 1 thì trẻ mới được làm quen với chữ cái và con số.
Từng dạy lớp 1, bạn đọc Nguyễn Linh cho rằng: “Nhất trí không nên dạy con biết đọc và biết viết trước khi vào lớp 1 để tránh trẻ ỷ lại, tự cao. Để con học tốt thì trẻ cần nhận biết và thuộc lòng các mặt chữ cái và số trước khi vào lớp 1. Vì nếu không biết các mặt chữ và số thì sẽ rất khó đuổi kịp chương trình như hiện nay.”
Trẻ nhỏ có đặc điểm là “học mà chơi, chơi mà học”, nên nếu bố mẹ khéo léo “lồng ghép” việc học với việc chơi vì việc học sẽ trở nên thú vị với trẻ. Học là một quá trình, chứ không phải đến khi trẻ sắp vào lớp 1, bố mẹ mới cuống lên cho trẻ đi học chữ “cấp tốc”.
“Học mà chơi, chơi mà học”.
“Học mà chơi, chơi mà học”.
Bạn đọc Cỏ May cho hay: “Mình không phải giáo viên, nhưng 2 con nhà mình vào lớp 1 vẫn nhẹ nhàng .Tự học cho đến lớp 9 mới bắt đầu học thêm. Không thuộc hàng xuất sắc liên tục nhưng nói chung là rất ổn. Lúc con bắt đầu biết nói, cả đại gia đình mình bắt đầu bày cho con vừa học vừa chơi hằng ngày.”
Bạn đọc Nguyễn Trần Hải chia sẻ kinh nghiệm: “Học mà chơi, chơi mà học, do phát hiện con có tư duy tốt, gia đình tôi đã cho con "chơi" số và chữ ngay từ khi cháu 4, 5 tuổi. Đến 5 tuổi, sau khi thuộc mặt chữ cái, cháu đã tự đọc được sách báo tốt. Khi vào học tiểu học, cũng như những năm học phổ thông cháu đã học rất tốt, nay cháu đã học xong năm thứ 3 ĐH Bách khoa Hà Nội; cháu đạt nhiều giải cao nhất trong các kỳ thi tỉnh và quốc gia. Như vậy, tùy theo khả năng tư duy của con trẻ mà chúng ta cho chúng "tiếp xúc" với học, nhưng không phải là học, mà là chơi! Từ đó tạo ra sự say mê sự "chơi" đó.”