Biểu hiện con đường lây nhiễm HIV từ mẹ sang con

Biểu hiện con đường lây nhiễm HIV từ mẹ sang con

 

Khi mang thai

HIV từ máu của mẹ nhiễm HIV hoặc tế bào miễn dịch (CD4) chứa HIV qua hàng rào nhau thai để xâm nhập vào thai nhi. Sự lây truyền HIV trong thời kỳ mang thai thường xảy ra từ tuần lễ thứ 14 của thai kỳ cho đến lúc sinh. Tỷ lệ lây truyền HIV trong giai đoạn mang thai chiếm 1/4 trong số những trường hợp lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tuy nhiên tỷ lệ này có thể tăng lên, hay nói cách khác, nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con qua bánh nhau thai nhi tăng lên nếu người mẹ bị nhiễm HIV ở giai đoạn muộn, tức là đã ở giai đoạn AIDS.

Khi sinh

Cho dù có một tỷ lệ nhất định trẻ sơ sinh bị nhiễm HIV từ khi còn nằm trong tử cung nhưng sự lây truyền HIV từ mẹ sang con thường xảy nhiều nhất vào thời kỳ chuyển dạ, đẻ.

Khoảng 50-60% số trẻ em bị lây nhiễm từ mẹ được cho là bị lây truyền trong khi sinh. Đối với những trường hợp đẻ khó, chuyển dạ kéo dài, hoặc phần mềm của người mẹ bị dập nát, thai bị xây xước, sang chấn thì nguy cơ lây nhiễm HIV của trẻ tăng lên.

 

Người ta cũng thấy rằng các cơn co tử cung mạnh cũng có thể đẩy lây nhiễm HIV từ máu mẹ vào tuần hoàn của thai nhi và khi sinh thì đứa trẻ “đi qua” con đường đường sinh dục của mẹ để ra ngoài trẻ sẽ tiếp xúc trực tiếp với dịch âm đạo hoặc máu của mẹ có HIV sẽ xâm nhập vào đứa trẻ qua niêm mạc mắt và vết cắt của dây rốn.

Vỡ ối sớm cũng là một nguyên nhân làm tăng nguy cơ này. Thời gian từ khi vỡ ối đến khi sinh càng dài thì nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con càng tăng lên, nhất là khi thời gian này kéo dài trên 2 giờ. Kết quả phân tích nhiều nghiên cứu của nhóm HIV chu sinh quốc tế cho thấy cứ mỗi giờ sau khi vỡ ối, nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con tăng thêm 2%.

Khi cho con bú

Cho dù với nồng độ không cao nhưng lây nhiễm HIV cũng có trong sữa mẹ nên con đường này có thể lây nhiễm cho trẻ khi chúng bú sữa người mẹ nhiễm HIV. Khi trẻ bú mẹ, HIV từ sữa mẹ có thể xâm nhập qua hệ thống đường tiêu hóa của đứa trẻ và lây nhiễm cho trẻ này, nhất là trong trường hợp trẻ có các viêm nhiễm trong khoang miệng.

Hoặc trong trường hợp vú mẹ có viêm nhiễm, có vết nứt hay khi trẻ mọc răng cắn gây chảy máu thì HIV còn có thể theo máu vào miệng trẻ, xâm nhập qua niêm mạc trong khoang miệng và gây nhiễm HIV cho trẻ. Khoảng 20-30% số trẻ em bị nhiễm HIV từ mẹ được cho là bị lây qua bú sữa mẹ, tùy thuộc vào thời gian và cách nuôi con bằng sữa mẹ.

 

Nguy cơ lây nhiễm HIV qua bú sữa mẹ sẽ tăng lên nếu mẹ lây nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS (nồng độ HIV trong máu mẹ cao) hoặc mẹ mới nhiễm HIV sau khi sinh con hay vào thời kỳ cho con bú mẹ mới bị nhiễm HIV (vì trong thời kỳ mới nhiễm HIV, nồng độ HIV trong máu mẹ cũng rất cao); thời gian cho trẻ bú dài (càng dài thì nguy cơ lây truyền HIV sang con càng cao); nuôi trẻ hỗn hợp: vừa cho trẻ bú mẹ, vừa cho ăn thêm ngoài (các thức ăn, đồ uống khác có thể là nguyên nhân gây ra tiêu chảy làm tổn thương niêm mạc ruột. Điều này làm cho virút từ sữa mẹ dễ xâm nhập vào cơ thể trẻ qua con đường từ mẹ sang con).

Vì vậy, để dự phòng và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, người phụ nữ nhiễm HIV mang thai cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa. để được tư vấn chăm sóc thai sản, theo dõi và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Trong quá trình chuyển dạ, cần tiếp tục hợp tác tốt với các bác sĩ sản khoa để giúp cho cuộc đẻ được thuận lợi và an toàn. Các bà mẹ cũng cần chủ động hỏi ý kiến các bác sĩ về cách nuôi trẻ sau sinh và tuân thủ các hướng dẫn về chăm sóc và điều trị.

TH