EM ĐỨNG GIỮA GIẢNG ĐƯỜNG HÔM NAY
Trong không khí của ngày Lễ 20/11 – Ngày Nhà giáo Việt Nam đang đến rất gần, bật radio, bài hát “Em đứng giữa giảng đường hôm nay” của Nhạc sĩ Tân Huyền cất lên như thôi thúc, gieo vào lòng người nghe một cảm giác lâng lâng, xao xuyến khó tả, là động lực để tiếp tục hun đúc những ước mơ vẫn còn dang dở...
Đề tài về người giáo viên nhân dân được rất nhiều nhạc sĩ sáng tác và nhiều tác phẩm đã trở thành những bài ca đi cùng năm tháng, như: “Ước mơ xanh” của Lệ Giang, “Cô đi nuôi dạy trẻ” của Nguyễn Văn Tý, “Bụi phấn” của Vũ Hoàng & Lê Văn Lộc, “Trường làng tôi” của Phạm Trọng Cầu, “Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi” của Văn Ký, hay “Bài ca người giáo viên nhân dân” của Hoàng Vân. Trong số đó, chúng ta không thể không nhắc đến ca khúc “Em đứng giữa giảng đường hôm nay” của nhạc sĩ Tân Huyền, bởi ca khúc này luôn được lớp lớp thế hệ người Việt Nam yêu thích.
Vì lẽ gì mà ca khúc này luôn được nhiều người yêu nhạc Việt Nam yêu thích? Phải chăng nghề dạy học – nghề “trồng Người” là nghề đem lại lợi ích lớn lao cao cả như Bác Hồ kính yêu đã dạy: “...vì lợi ích trăm năm trồng Người”, hay do người ta yêu thích quý trọng nghề dạy học bởi như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”.
Đúng vậy, nói về khía cạnh xã hội thì nghề dạy học là nghề được nhiều người yêu quý, kính trọng, nhưng không phải vì thế mà nhiều người lại yêu thích và ghi nhớ được bài hát này trong rất nhiều bài hát hay có cùng chủ đề. Có lẽ điểm nhấn quan trọng nhất của ca khúc chính là “Hình tượng người giáo viên” đại diện cho lớp trí thức của thời đại mới, mang trong mình lý tưởng cao đẹp với những ước mơ, hoài bão và trái tim tuổi trẻ cháy bỏng niềm khát khao được sống, khao khát được cống hiến cho Tổ quốc thân yêu.
Bài hát là một câu chuyện có thật kể về một cô giáo trẻ xuất thân từ một xóm thợ nghèo ở ngoại ô thành phố Hà Nội có tâm hồn trong sáng, bao tháng, bao năm nuôi ước mơ cháy bỏng được sánh vai “cùng chị, cùng em bay tới những chân trời khoa học, bao la”. Nhờ công ơn của Đảng và Bác Hồ đã đem lại cuộc sống độc lập, tự do cho dân tộc và chắp cánh cho ước mơ của cô trở thành hiện thực và cô đã phấn đấu vươn lên trở thành một người giáo viên nhân dân của thời đại mới, để “Em đứng giữa giảng đường hôm nay mà niềm vui trong lòng dâng đầy...”. Hàng ngày, hàng giờ cô vẫn miệt mài phấn đấu, miệt mài “ươm từng hạt giống của thời đại”, uốn nắn, chăm sóc những “mầm non” trở thành “vườn cây xanh tốt” góp phần làm đẹp cho đời và luôn có lòng tin mãnh liệt vào bản thân và tương lai tươi sáng của đất nước. Vì vậy mà “Bước chân em ngày càng vững hơn trên chặng đường mới, như cánh chim tung bay giữa cao đẹp trời mây”.
Hình tượng người giáo viên trong ca khúc còn hoàn chỉnh và trọn vẹn hơn bởi cô giáo trẻ còn luôn mang trong lòng những tình cảm, tình người chan chứa yêu thương “Nghĩa mẹ, công cha, ơn Bác Hồ sâu nặng”. Một cô giáo trẻ có mơ ước cao đẹp, có trình độ tri thức khoa học, có nghị lực phấn đấu phi thường, có tình yêu và lòng biết ơn cao cả, sống trong lòng nhân dân và phục vụ cống hiến hết mình cho nhân dân, cho Tổ quốc.… Đó chính là hình tượng khái quát về người giáo viên nhân dân của thời đại mới.
Với lời ca dung dị, dạt dào cảm xúc tác giả đã thành công khi khắc hoạ “hình tượng người giáo viên nhân dân” với tính cách khá mộc mạc, giản dị nhưng cũng thật bay bổng. Cùng với thời gian, ca khúc này vẫn luôn được những người yêu nhạc Việt Nam yêu thích. Sức sống bền lâu của tác phẩm không chỉ bởi nội dung lời ca mà đây là một câu chuyện có thực về một nhân vật có thực trong cuộc sống, là hình tượng đại diện của lớp trí thức thời đại mới, sống có lý tưởng và ước mơ, hoài bão cao đẹp.
Ca khúc “Em đứng giữa giảng đường hôm nay” của nhạc sĩ Tân Huyền trên đây đã giúp lớp lớp thế hệ trẻ chúng tôi mở mang, học hỏi thêm được nhiều điều, góp phần tiếp thêm sức mạnh để biến những ước mơ thành hiện thực. Mỗi người cần phải cố gắng và cố gắng hơn nữa để đóng góp công sức của mình xây dựng quê hương, đất nước và tô thắm thêm hình ảnh cao đẹp của người giáo viên của thời đại./.
ThS. Nguyễn Thị Thiện