Tóm tắt tiểu sử Trường tiểu học Trà Cổ
Nhân dịp 90 năm có trường (1922-2012)
I . Xuất xứ
Vào
khoảng năm 1915, có cụ Ngô Văn Tấn quê ở xã Thái Tân, huyện Thái Thụy, tỉnh
Thái Bình đến Trà Cổ dạy học. Dân ta thường quen gọi là trường ông Hương Sư
(Giáo làng) cụ thường dạy hai thứ chữ: chữ hán và chữ quốc ngữ. Có lẽ cụ Tấn là
người truyền bá chữ Quốc ngữ đầu tiên đất đảo Trà Bình. Thấy chữ quốc ngữ dễ học,
dễ viết nên dần dần có nhiều người đến học.
Và
sau đó trường cụ Ngô Văn Tấn đã cho thí sinh vào Móng Cái dự thi, kết quả tương
đối tốt, có khá nhiều người thi đỗ tuyển sinh. Đặc biệt có 2 người được đỗ khóa
sinh. Từ đây cụ Ngô Văn Tấn được phong danh hiệu Tổng sư (Tức là thầy giáo của
làng tổng) do học sinh đóng góp học phí.
Những
thời kỳ ấy đảo Trà Bình có chiều dài là 16km, dân số có khoảng 8 nghìn người đại
đa số là dân tộc Kinh, dân cư tập trung. Vì thế nhân dân đòi hỏi phải có một
ngôi trường công để cho con em nhân dân đến đó học tập. Do sự kiên quyết đòi hỏi
sự học của dân cho nên Thực dân Pháp và các nhà đương chức phải mở trường, song
chúng yêu cầu nhân dân (Nhân dân xã Trà Cổ phải quyên góp tiền để xây dựng trường),
khi xây dựng được trường hoàn chỉnh thì Nhà nước sẽ cử giáo viên đến dạy hoc.
Được lệnh như trên các cụ kì mục trong xã đã họp bàn nhiều lần để bàn bạc tính
toán, lo toan việc làm trường. Song lúc bấy giờ dân rất khó khăn về đời sống
kinh tế, việc phân bổ thì dễ song việc thu lại rất khó, họp đi họp lại nhiều lần
mà không sao thu được tiền.
Cũng
là một dịp may mắn làng có nhà thương gia hảo tâm xin nhận với xã giao việc xây
nhà trường cho ông lo liệu. Người đảm nhận ấy chính là cụ Bùi Văn Chu (Tức là bố
sinh ra cụ Bùi Chương – cụ Bình và một số ông bà nữa). Chỉ với thời gian trong
6 tháng cụ Chu đã xây dựng hoàn thành 2 phòng học, với trang bị đầy đủ quy định
của 1 phòng học; bàn ghế, tủ sách gỗ làm nhà đều bằng gỗ lim, chi phí cho 2
phòng học quy ra giá trị tương đương 13 tấn gạo (Khoảng 500 đồng bạc tiền Đông
Dương). Như vậy nhà trường mới được khánh thành vào đầu năm học 1922-1923. Ngày
khánh thành ấy dân còn gọi là ngày “cưới trường”.
Trường
học xã Trà Cổ có sau trường tiểu học Móng Cái chừng 13 năm (1909). Có trường rồi,
đồng thời được đón 2 thầy giáo đến dạy đầu tiên. Đó là thầy Cao Đắc Tiếu và thầy
Ban, quê miền xuôi đến miền Trung du Hải Ninh công tác. Các thầy ăn, ở trọ lại
nhà cụ Nguyễn Văn Hoan.
Trường
gồm có 2 phòng học, mỗi phòng 2 lớp ghép: Vỡ lòng và đồng ấu, dự bị và sơ đẳng.
Các loại trường này gọi là trường sơ học. Tốt nghiệp được nhận bằng “ Sơ học yếu
lược”.
Năm
1926 (Tức sau ngày mở trường 4 năm) thì Pháp cho xây thêm 1 phòng học và cử
thêm 1 giáo viên toàn cấp phụ trách Hiệu trưởng dạy 3 lớp ghép là: Moyen 1,
Moyen 2 và lớp Nhất, từ đó Trà Cổ mới có trường tiểu học. Toàn cấp từ vỡ lòng đến
lớp Nhất, đủ 7 lớp, sĩ số học sinh có chừng 160 người. Song không phải trò nào
cũng học được đến lớp Nhất vì hoàn cảnh nghèo, đói chỉ học được một vài năm rồi
bỏ dở. Lớp Nhất là cuối cấp chỉ còn lại dăm, bảy học sinh, không có tiền đi Hải
Phòng hoặc Lạng Sơn thi tốt nghiệp thì cũng bỏ dần. Tới năm 1939 mới có trường
thi ở Móng Cái, từ đó học sinh lớp Nhất mới có điều kiện thi cử.
Để
xây dựng nền móng trường tiểu học Trà Cổ được vững chắc. Chính quyền Pháp lúc bấy
giờ cho mở thêm 2 trường sơ học là: Thôn Tràng Lộ (năm 1926), Bình Ngọc (năm
1932), để cung cấp học sinh tốt nghiệp Sơ học cho trường tiểu học. Cho nên phải
nói rằng: Trường tiểu học Trà Cổ là điểm hội tụ học sinh của toàn đảo.
II. Những thầy giáo đã từng dạy học qua từng thời gian tại trường tiểu học
Trà Cổ:
Theo
cụ Bùi Quý (Lúc còn sống đã 91 tuổi) cụ là lớp người học trò của trường cho biết
các thầy đã từng dạy học ở trường trước năm 1945:
-
Đầu tiên là thầy Cao Đắc Tiếu, thầy Ban, sau đến thầy Phú, thầy Lượng, thầy Thắng;
thầy Phạm Đức Nghị; Cao Văn Dong, thầy Phốc, thầy Ngô Văn Thọ, thầy Lê Huy Trì,
Hoàng Thọ Mục, Nguyễn Đức Chỉnh, thầy Nguyễn Công Bồng, Cao Văn Dưỡng, thầy
Nguyễn Văn Thông, Vũ Văn Phúc, Nguyễn Đình Chiến, thầy Trần Huy Liêm, thầy Nguyễn
Thừa Hựu. Ở thôn Tràng Lộ có thầy Đoàn Trấn, thầy Trần Tại, thầy Vũ Đắc Vượng,
Nguyễn Trí Thức, Vũ Văn Mâu; Đăng Văn Trí; ở Sa Vỹ có thầy Nguyễn Kế Tộ (Khảm),
ở Bình Ngọc có thầy Phạm Văn Nghị, Quách Đình Chí, Cao Hồng, Nguyễn Quang Sinh,
Vũ Kim Tinh.
-
Những thầy toàn cấp được làm hiệu trưởng có: Thầy Đốc Ky, thầy Nguyễn Trọng
Hàn, sau đó đến thầy Tạ Đức Khuyến, Nguyễn Đức Kinh, Phạm Văn Khang. Thầy Nguyễn
Công Hoan (1938- 1939), thầy Phạm Đình Tôn, thầy Nghiêm, Bùi Đình Lan. Có thầy
Nguyễn Trọng Thuật (dạy 3 lớp ghép, nhưng chưa được làm Hiệu trưởng vì còn tập
sự), thầy Trịnh Hải (1945).
- Sau hòa bình lập lại ở
miền bắc, tới năm học 1959 – 1960 tại trường tiểu học này có 5 lớp Nhỡ. Đó là
khởi đầu của cấp II (tiền thân của trường THCS ngày nay và cũng là trường cấp
II sau Móng Cái của tỉnh Hải Ninh cũ). Thầy giáo hiệu trưởng trường cấp II đầu
tiên là thầy Trịnh Văn Giao quê huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa.
Những
năm sau, thập kỷ 70,80 là trường liên cấp I, II, rồi trường Phổ thông cơ sở Trà
Cổ có các thế hệ: Thầy Nguyễn Ngọc Thanh, thầy Nguyễn thắng Nguyên, Thầy Hoàng Đức
Việt làm hiệu trưởng nhà trường.
Thực
hiện Quyết định số 113/KHTV của Sở Giáo dục- Đào tạo Quảng Ninh ngày 18/6/1998
về việc tách trường PTCS Trà Cổ thành 2 trường: Trường Tiểu học Trà Cổ và trường
THCS Trà Cổ từ năm học 1998- 1999 do cô giáo Nghiêm Thị Trang là hiệu trưởng nhà
trường. từ năm học 2007- 2008 đến nay cô giáo Nguyến Thị Xuân là hiệu trưởng nhà
trường.
III. Điểm vài nét cơ bản về sự phát triển
và trưởng thành từ mái trường tiểu học Trà Cổ.
Là
một xã miền biển lại là biên giới, đã trải qua các cuộc chiến tranh chống đế quốc
và biên giới bảo vệ Tổ quốc. Thiên tai bão, gió của vùng biển. Tuy vậy cả một
thời gian dài gồm 90 năm ngôi trường cơ bản vẫn trụ vững. Song để đảm bảo an
toàn tuyệt đối cho thầy, trò của nhà trường cũng như nhân dân, nên cấp trên đã
cho tháo dỡ trường cũ, xây dựng lại nhà làm việc mới trên chu vi nền móng trường
cũ (1922).
Từ
ngôi trường tiểu học này đã đóng góp được cho nhân dân địa phương và đất nước
nhiều mặt đáng kể như:
1,
Nhờ có trường mà nhân dân ta hiểu biết sớm hơn, nhất là nam giới vừa được học tập
vừa được đi thuyền buôn bán khắp nơi trong cả nước các tỉnh đồng bằng, trung du
Bắc bộ nên am hiểu được nhiều hơn. Hòa bình lập lại nhờ có Đảng, Bác Hồ, Nhà nước
phát triển giáo dục mở mang trí tuệ, con em nhân dân ai cũng được đến trường học.
Số học sinh đến trường ngày càng đông, càng nhiều, nam sau cao hơn năm trước.
Có những năm số lượng học sinh các cấp đến hàng nghìn em. Trung bình từ 700 đến
900 em. Đạt tỉ lệ học sinh so với dân số từ 20% đến 25% là rất cao. Hiện nay đã
có hàng trăm em có trình độ Đại học, trên Đại học từ các trường các ngành.
2,
Cũng từ giáo dục của nhà trường nâng cao trình độ văn hóa đồng thời cũng nâng
cao tinh thần Cách mạng, yêu nước, nhất là từ sau có thầy Nguyễn Công Hoan truyền
bá Cách mạng. Nhiều thanh niên đi tham gia hoạt động chống Đế quốc Pháp. Trong
sự nghiệp chống Mĩ cứu nước có hàng nghìn thanh niên nhập ngũ đi đánh Mĩ. Hàng
trăm liệt sĩ đã anh dũng hi sinh góp phần giải phóng đất nước và hòa bình ngày
nay. Có những học sinh trở thành anh hùng lực lượng vũ trang như: Tiến sĩ Trung
tướng Đoàn Sinh Hưởng. Có những người là anh hùng lao động, nhà khoa học; Nhà
văn Ngô Ngọc Bội; Nguyễn Thị Tài Hồng (tức Lê Minh)
3,
Cũng có nhiều người trưởng thành làm cán bộ cao cấp của tỉnh, huyện, cơ quan
ngành nghề và địa phương…
Ngày 29/8/2003, trường được
vinh dự là 1 trong 16 trường của tỉnh nhận quyết định số 4663/QĐ-BGD&ĐT-GDTH
về việc cấp bằng công nhận trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn
1996-2000.
Từ
khi tách trường mới có 21 thầy cô giáo, trình độ cao nhất là trung cấp sư phạm,
10+2, trung học hoàn chỉnh, đến nay đội ngũ thầy cô giáo tăng cả về số lượng và
chất lượng, trình độ cao đẳng đại học chiếm 75%, trường liên tục đạt danh hiệu đơn
vị tiên tiến cấp thành phố.
Hội học sinh khoá 1949 –
1965 đã nhiều lần tổ chức họp đồng môn ôn lại lịch sử mái trường yêu dấu gắn với
nhiều kỷ niệm, họ là lớp học sinh thuộc lớp thế hệ sau so với các cụ cao niên từ
80 tuổi trở lên đến trên 90 tuổi hiện còn đang sống, nhiều cụ còn được trí nhớ
đã cung cấp những tư liệu quý về vai trò lịch sử ngôi trường tiểu học. Vì yêu
quý ngôi trường nên đã tổ chức kỉ niệm 90 năm trường tiểu học ở phạm vi quy mô
nội bộ. Họ sẽ viết tiếp trang lịch sử của nhà trường và phấn đấu xây dựng một dấu
mốc kỉ niệm gì đó phù hợp để góp phần lưu giữ cho thế hệ sau sao cho trường tiểu
học Trà Cổ mãi mãi trường tồn.
Trà Cổ, ngày 20 háng 7 năm 2012
Người viết
Nguyễn Giao Tế
( Học sinh khoà 1949-1965)